Quy Trình chăm sóc website đạt hiệu quả cao
Kiểm tra và sửa lỗi thường xuyên
Dù được thiết kế chỉn chu đến đâu thì trong quá trình vận hành, website ít nhiều cũng sẽ phát sinh ra lỗi hay các sự cố kỹ thuật.
Chúng có thể là: máy chủ quá tải, tên miền đến hạn, lỗi trong source code, plugin không tương thích, CMS cập nhật gây hỏng website, v.v. Trong đó, lỗi liên quan đến source code rất thường xảy ra. Vì code cần độ chính xác cao. Lập trình viên chỉ cần sai một dấu thôi thì website của bạn cũng đi tong rồi.
Nếu xét về trường hợp ít nghiêm trọng hơn, như là code sai màu cho một nút bấm, thì ảnh hưởng của nó cũng không nhỏ do sẽ làm rối thiết kế website. Hơn thế nữa, nó sẽ ảnh hưởng đến cả hiệu quả kêu gọi hành động.
Vì vậy, bạn cần kiểm tra thường xuyên để mau chóng phát hiện và sửa chữa các vấn đề. Nếu không, nó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất website mà còn tạo cảm giác kém chuyên nghiệp hay để vụt mất khách hàng.
Sao lưu dữ liệu hằng ngày, hằng tuần
Mất dữ liệu là sự cố thường gặp nhất khi vận hành website. Nguyên nhân có thể là do máy chủ có vấn đề, bị hack, thao tác sai của cá nhân hay những lỗi kỹ thuật khác.
Mà dữ liệu chính là phần quan trọng nhất của bất cứ website nào. Các dữ liệu thiết yếu có thể kể đến là: hồ sơ khách hàng, đơn mua hàng/đặt hàng, thông tin sản phẩm/dịch vụ, hình ảnh/video và các bài viết cùng các link/URL.
Chúng là những thứ giúp bạn duy trì và phát triển website cũng như doanh nghiệp. Do đó, việc sao lưu dữ liệu là vô cùng cần thiết.
Nhiều công ty thiết kế website hay cung cấp máy chủ luôn nhấn mạnh tính năng sao lưu khi quảng bá cho khách hàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trên thế giới chỉ hoạt động để bán các phần mềm/plugin/dịch vụ sao lưu. Tuy giá của những dịch vụ đó không hề rẻ nhưng họ vẫn có rất nhiều khách hàng. Chỉ nhiêu đó thôi thì bạn có thể thấy tầm quan trọng của việc sao lưu dữ liệu là như thế nào.
Vì thế, bạn nên sao lưu dữ liệu website thường xuyên.
Bạn có thể sao lưu thủ công hay sử dụng phần mềm tự động; sao lưu trên máy chủ khác, máy tính khác, ổ cứng, USB hoặc các dịch vụ lưu trữ đám mây. Lưu ý là đối với các dịch vụ đám mây, bạn cần chọn những nơi uy tín và bảo mật để tránh mất dữ liệu và để bảo đảm dữ liệu được phục hồi tốt nhất khi cần.
Cập nhật phần mềm khi có phiên bản mới
Dù là phần mềm trên hệ điều hành của máy chủ hay phần mềm bạn đang dùng để chạy website, bạn cần cập nhật sớm nhất có thể khi phiên bản mới ra đời. Các bản cập nhật thường được vá nhiều lỗ hổng về bảo mật và các lỗi linh tinh khác. Vì vậy, việc cập nhật kịp thời sẽ giúp bạn ngăn chặn nhiều rủi ro, tránh bị hacker lợi dụng để lấy đi thông tin quan trọng.
Nếu bạn đang dùng phần mềm được cung cấp bởi công ty thiết kế website thì bạn không cần quá lo lắng. Hầy hết công ty sẽ giúp bạn quản lý việc này.
Nhưng nếu bạn dùng phần mềm bên thứ ba như WordPress, Drupal, Shopify hay Discourse, bạn cần nhớ cập nhật cho chúng. Hầu hết chúng sẽ gửi thông báo cho bạn khi có phiên bản mới để bạn cập nhật. Ngoài ra, plugin hay theme bạn đang dùng cũng cần cập nhật để nhận bản vá lỗi cũng như tương thích với phiên bản mới của CMS mà bạn đang dùng.
Tăng cường bảo mật cho website
Có lẽ bạn chưa biết: Việt Nam là một trong những nước bị tấn công website nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Cystack – một startup về lĩnh vực an ninh mạng, trong 9 tháng đầu năm 2020 thì nước ta đứng thứ 18 về việc bị tấn công website. So với báo cáo năm 2019 thì tình hình bảo mật website nước ta đã có cải thiện: giảm được 64.8%. Tuy vậy, một khi là chủ website, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp, bạn không thể xem thường.
Một website bị hack sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: gián đoạn hoạt động kinh doanh, lộ thông tin khách hàng và các dữ liệu quan trọng, mất uy tín thương hiệu, từ khóa bị mất thứ hạng trên Google, v.v.
Chính vì vậy, bạn không được chủ quan mà phải tăng cường bảo mật cho website. Bạn có thể tự làm nếu có kiến thức, hay thuê các bên dịch vụ bảo mật website, hoặc chọn những công ty thiết kế website uy tín có kinh nghiệm trong việc bảo mật website cho bạn.
Về cơ bản, những việc bạn cần làm để bảo mật website là: sử dụng SSL, dùng mật khẩu mạnh, tối ưu bảo mật cho cơ sở dữ liệu, tích hợp các công cụ bảo mật khác, v.v.
Tối ưu website cho các công cụ tìm kiếm (SEO)
Việc website xuất hiện ở trang đầu kết quả tìm kiếm trên Google là một trong những ưu tiên hàng đầu của bất cứ doanh nghiệp nào. Bởi lẽ, việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, tăng uy tín và mang hình ảnh thương hiệu đến với nhiều người hơn.
Liên tục “củng cố” nội dung
Một website có thiết kế đẹp và ấn tượng nhưng thiếu nội dung thì chỉ là một cái vỏ rỗng. Nội dung ở đây bao gồm: bài viết, hình ảnh, video, thông tin sản phẩm, địa chỉ liên hệ, v.v. Tương tự, dù website có nội dung nhưng chúng không được đầu tư kĩ lưỡng thì cũng chẳng có ai muốn ở lại xem cả, huống chi tin tưởng hay trở thành khách hàng thật sự.
Có thể nói, nội dung chính là linh hồn của website. Để chăm sóc website hữu hiệu, bạn cần liên tục thêm nội dung mới, cập nhật và chỉnh sửa nội dung cũ. Có như vậy thì website của bạn mới “sống” lâu được.
Dưới đây là danh sách một số việc quan trọng bạn cần làm để nội dung luôn trong trạng thái tốt nhất:
- Sản xuất các bài viết chất lượng có liên quan đến lĩnh vực bạn đang làm để tăng tương tác với khách hàng và hiệu quả SEO.
- Cập nhật các bài viết, thông tin, hình ảnh hay video quan trọng nếu phát hiện thông tin lỗi thời hay cần điều chỉnh do sai sót.
- Theo dõi và đánh giá các tiêu đề cũng như mô tả meta để kịp thời thay đổi nhằm cải thiện SEO.
- Kiểm tra các biểu mẫu như mẫu đăng ký, mẫu liên hệ xem có hoạt động tốt không.
- Lọc và xóa những bình luận rác trên các trang và bài viết (nếu có).
- Kiểm tra các link định kỳ để sửa hoặc chuyển tiếp, tránh trường hợp mất link do đổi URL dẫn đến lỗi 404.
Thay đổi thiết kế, cấu trúc website khi cần
Công nghệ không ngừng phát triển, xu hướng mới liên tục xuất hiện và Google – công cụ tìm kiếm phổ biến nhất – luôn thường xuyên thay đổi thuật toán cũng như cách xếp hạng từ khóa của mình. Vì vậy, cho dù website hiện tại của bạn có đẹp đến đâu, hợp thời như thế nào, mang đến tỉ lệ chuyển đổi cao hay đạt kết quả SEO tốt thì sau một khoảng thời gian nhất định, bạn cũng phải chỉnh trang cho nó.
Ví dụ điển hình nhất là khi điện thoại và máy tính bảng trở thành thiết bị phổ biến của người dùng web, thiết kế đáp ứng lên ngôi. Và đến năm 2015, Google thông báo sẽ đánh giá cao các website thân thiện với màn hình điện thoại. Thế là từ đó, hầu hết các chủ website phải thay hay chỉnh sửa giao diện để phù hợp với nhu cầu người dùng và đạt hiệu quả trong SEO.
Ngoài ra thì cũng có nhiều trường hợp để bạn thay đổi thiết kế hay cấu trúc website như: muốn thay đổi nhận diện thương hiệu, muốn website tải nhanh hơn, muốn cắt giảm những thành phần không đem lại kết quả kinh doanh tốt, bổ sung dịch vụ mới hay mở rộng doanh nghiệp mà cần cách trình bày phù hợp hơn hay ngược lại.
Đảm bảo tốc độ tải trang ở mức nhanh nhất có thể
Người dùng rất vội. Trung bình, mỗi người đợi khoảng 3-5 giây cho một website hiển thị đầy đủ. Do vậy, website nào tránh làm mất thời gian đợi của người dùng hơn thì website đó ghi được nhiều điểm hơn.
Có thể nói: website tải càng nhanh thì càng tốt. Tuy nhiên, việc nhanh nhất có thể – tức là trong sự cho phép nhất định – thì tốt hơn nhiều. Chúng ta không thể mong một trang bán hàng online tải nhanh như một trang blog cá nhân được. Một website có nhiều tính năng thì phải tải lâu hơn một website cung cấp kiến thức thông thường.
Chính vì vậy, tùy vào loại website mà bạn cần tối ưu tốc độ tải trang cho phù hợp. Và quan trọng là bạn phải thường kiểm tra để nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục hay làm tăng tốc độ tải trang.
Website càng phát triển thì càng có nhiều nội dung, lượt truy cập và các hành động xảy ra trên trang như mua sắm, thanh toán hay bình luận. Vì vậy, theo thời gian, bạn cũng cần phải tối ưu tốc độ tải trang cho website sao cho tỉ lệ thuận với mức độ phát triển của nó. Các việc có thể kể đến là: nâng cấp máy chủ, kiểm tra và nén các loại dữ liệu có dung lượng lớn, xóa bộ nhớ đệm, sử dụng CDN, thay đổi hoặc xóa bớt những plugin ảnh hưởng hiệu suất, v.v.
Theo dõi số liệu để đánh giá, phân tích, cải thiện
Dù là thiết kế website, viết content, làm SEO hay việc gì khác đi nữa, bạn cũng cần theo dõi các số liệu liên quan để tìm ra cách tăng hiệu quả cho chúng.
Khi bạn thống kê tổng số lượt truy cập website, hay số lượt xem theo từng danh mục, sản phẩm, bài viết, v.v. bạn sẽ nắm bắt được tình hình quảng bá/kinh doanh của doanh nghiệp.
Tương tự, khi bạn xem các báo cáo khác như mẫu đăng ký có người nhập không, các nút kêu gọi hành động có ai bấm không, món hàng nào được mua nhiều nhất theo từng thời điểm cụ thể trong năm, v.v. bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về sở thích cũng như nhu cầu của khách hàng. Từ đó, bạn mới có đủ dữ liệu để xử lý và đề ra chiến lược cải thiện tình hình, tăng doanh thu và quảng bá phù hợp.
Để phân tích website, thông thường người ta sẽ dùng Google Analytics. Đối với các phần mềm trên nền web, website thương mại điện tử hay những website có nhiều tính năng phức tạp khác, bạn sẽ cần thêm những công cụ riêng mà thường là bên thiết kế website sẽ làm hoặc cài đặt cho bạn.
Tóm lại, việc theo dõi các báo cáo của website gần như là việc không thể thiếu khi chăm sóc website để vận hành một website chuyên nghiệp. Đây là cách rất hữu hiệu trong việc đánh giá trị trường, đo lường kết quả của các chiến dịch quảng cáo, quảng bá và SEO.